Công dụng và bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời từ cây nho

Bởi
Sức khỏe
Cập nhật: 20/12/2023 10:46 am
Đã đăng: 04/12/2023 8:58 am

Quả nho có chứa nhiều chất dinh dưỡng, ngoài để ăn tươi, giải khát, nho còn có tác dụng phòng chữa nhiều bệnh. Theo y học cổ truyền, quả nho có vị ngọt, hơi chua và có tính bình. Nếu thường xuyên ăn nho với liều lượng phù hợp (khoảng 200g mỗi ngày), công dụng của quả nho sẽ mang lại các lợi ích đáng quý cho sức khỏe. Sau đây là một số bài thuốc từ nho mời bà con tham khảo.

Công dụng và bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời từ cây nho. © Baodantoc.vn

Công dụng của quả nho 

Tốt cho tim mạch: Người ta tìm thấy các chất resveratrol trong cấu trúc vỏ mỏng của quả nho, có cấu trúc hóa học tương đồng với hormone estrogen ở người. Chúng có tác dụng bảo vệ thành mạch máu trong cơ thể và làm giảm cholesterol. Điều này giải thích tại sao uống rượu vang đỏ lại có tác dụng tốt cho tim mạch. Chất proantho – cyanidin trong cao làm từ hạt nho, là chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của nhiều bệnh nan y, chống xơ vữa động mạch và quá trình lão hóa sớm.

Giúp bảo vệ cơ thể: Polyphenol trong quả nho có tác dụng chống oxy hóa, chống lại sự hình thành các gốc tự do, bảo vệ các tế bào và các nguyên sinh chất trong cơ thể.

Vì vậy ăn nho giúp con người trẻ lâu, tăng sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của các loại virus và làm giảm nếp nhăn. Ngoài ra đường gluco và fructose dễ hấp thụ trong quả nho cùng các vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Tác dụng thải độc trong cơ thể: Nho còn có tác dụng đặc biệt là đào thải chất độc trong cơ thể. Nho có ích cho quá trình tái tạo máu đồng thời giúp gan quét đi lượng độc tố có hại trong cơ thể. Trong nho có lượng nước, kali cao (có tác dụng lợi tiểu), giàu chất xơ (thúc đẩy quá trình tiêu hóa) làm tăng khả năng thải độc của loại quả giàu dinh dưỡng này.

Nho có nhiều loại với các màu quả khác nhau như trắng, đỏ, vàng, xanh, đen…. Mặc dù các loại nho khác nhau cũng không chênh lệch nhiều về giá trị dinh dưỡng nhưng chúng lại nổi bật ở những ưu thế riêng như và công dụng của quả nho mỗi loại có những hiệu quả riêng:

Nho tím giúp chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa và nếp nhăn.

Nho đỏ tốt cho tim mạch vì giúp làm mềm mạch máu (nhờ các sắc tố đỏ).

Nho trắng tốt cho người người bị bệnh về phổi nhờ tính chất dưỡng phổi.

Nho đen cung cấp khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe, làm giảm mệt mỏi.

© Baodantoc.vn

Các bài thuốc từ cây nho

Huyết áp cao: Nho 150g, mã thầy 15-20g củ, rửa sạch xay nhỏ và pha thêm nước sôi rồi uống.

Lạnh bụng, thiếu máu: Nho khô 60g, long nhãn 15g, quả dâu 5g, nấu nước lên uống.

Ho nhiều đờm: Nho khô 1 nắm, bách hợp 20g, gạo 50g, nấu lên thành cháo.

Động thai: Nho khô 60g, táo đỏ 15 quả, chanh 1-2 lát mỏng, cho tất cả vào cốc đổ nước sôi vào pha uống.

Chữa cơ thể hư nhược, mất ngủ sau khi mới ốm dậy: Rượu nho 10 ml, uống trước khi đi ngủ, có công năng hoạt huyết, an thần, kiện vị, cường thận.

Chữa vàng da do viêm gan, đau khớp do phong thấp: Thân cây nho tươi 150 g, sắc lấy nước, chia làm 3 lần uống trong ngày, có công năng lợi thủy, thẩm thấp, trừ phong, giải độc.

Điều trị viêm dạ dày mãn tính: Mỗi ngày ăn khoảng 20 nho khô và ăn trước bữa ăn (với cách dùng này, người bệnh nên ăn liên tục một tháng để thấy hiệu quả).

Điều trị thiếu máu khiến chóng mặt, trong người yếu ớt, hay ớn lạnh và thấy lạnh bàn chân: Lấy 70 g nho khô, 5 g quả dâu tắm chín và 15 g thịt quả nhãn, tất cả cùng nấu nước uống trong ngày

Trị tiểu mót, tiểu buốt: 150g nước ép nho tươi, 100g nước ép từ củ sen trộn cùng 1-2 thìa mật ong và pha loãng với nước sôi để uống.

Phù thũng, tiểu ít, đau nhức do phong thấp: Rễ cây nho dại 100g, nho khô 50g nấu lấy nước uống còn bã thì đắp vào chỗ đau.

Miệng khô: Lấy nước nho, nước mía mỗi thứ nửa cốc, cho nước ấm vào hòa đều, thêm một chút mật ong vào và uống thay nước trà.

Thị lực suy giảm: Nho khô 20g, hạt cẩu khởi 10g, thảo quyết minh 5g, thêm vào chút mật ong và pha giống như trà uống hằng ngày.

Thiếu máu, mệt mỏi: Nho khô một nắm, hạt cẩu khởi 2 thìa, sau khi nấu lên cho thêm vào một ít mật ong rồi lấy ra uống.

Buồn nôn: Nửa cốc nước nho ép, 1 thìa nước gừng tươi, thêm vào một ít nước ấm quấy đều và uống.

Chữa đau lưng, mỏi gối, thũng đầy, nôn oẹ, buồn nôn hay thai động trồi lên: Dùng lá, dây, rễ Nho 20-40g, sắc uống.

Chữa nôn nghén: Quả nho 40g ăn hay sắc uống.

Chữa đái ra máu: Nho tươi, ngó sen, Sinh địa hoàng lượng vừa đủ, mật ong 150g. Trước hết lấy 3 vị thuốc giã nát từng thứ, vắt lấy nước lấy đủ 1000ml, pha mật ong vào trộn đều, sắc nhừ, mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 100ml, trước bữa ăn nửa giờ, chiêu thuốc với nước ấm.

Lưu ý

Mặc dù quả nho ăn rất ngon và ít gây ngán nhưng bạn cũng không nên ăn nhiều vì sẽ gây khó chịu trong người (phần lớn trường hợp sẽ gây tiêu chảy). Mỗi ngày, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn 200g quả nho.

Những người dạ dày yếu, hay bị táo bón không nên ăn nhiều nho.

Trong quả nho có chứa lượng đường khá cao nên những người bị tiểu đường không nên ăn nhiều.

Những người đang dùng thuốc trị tăng huyết áp không nên dùng.

Trở lên Trên ▲

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả